Tôi là một người con, được sinh ra và lớn lên ở đất Hà Nội này; hình ảnh Hồ Gươm là hình tượng hằn sâu trong trí óc tôi. Tôi hiểu rằng giá trị thật của Hồ Gươm không phải là đền Ngọc Sơn (do Nguyễn Siêu xây dựng), cũng không phải là Tháp Rùa (xây dựng vào thế kỉ 19) vì đơn giản những di tích này hình thành do bàn tay con người, hay nói cách khác là nhân tạo, không mang giá trị thiên nhiên, tạo hóa. Đã nói đến lịch sử Hồ Gươm tức là nói đến truyền thuyết Rùa vàng nổi lên trao kiếm cho vua Lê Lợi đánh giặc phương Bắc. Vào thời kỳ đó, nước Hồ Gươm trong vắt, là nơi du ngoạn trên thuyền của hoàng tộc và vua chúa triều đình.
Một vài tháng nay, tin tức về Cụ Rùa trên các thông tin truyền thông và hình ảnh làm tôi không kìm được cảm xúc của mình, một cảm xúc nôn nao khó tả. Vì vậy hôm nay tôi tự cảm thấy mình phải có trách nhiệm viết một điều gì đó, không phải để phê phán hay bàn luận, chỉ để bộc lộ tình cảm và suy nghĩ về vùng đất và nhân vật truyền thuyết linh thiêng này. Blog này thường không được dùng dể viét về những vấn đề thời sự, những chủ đề mang tính nóng, mà chỉ là nơi chia sẻ kiến thức của người viết mà thôi. Nhưng riêng với chủ đề này, tôi phải đưa ra những suy nghĩ của mình.
Tôi thực sự cảm thấy con người chúng ta ở thời đại này đang chà đạp lên những cái gì tinh túy và linh thiêng nhất của cha ông để lại. Từ các lễ hội mang tính lịch sử và văn hóa như chùa Hương, đền Trần, đền Hùng, đền thờ Bà Chúa Kho, Yên Tử,... ngày nay không còn là nơi dành cho những người thành tâm, hướng thiện, hay chỉ đơn giản là tới dự lễ hội để cầu may, cầu nguyện, hướng tới sự ấm no, hạnh phúc, giàu có cho cá nhân và gia đình. Những địa điểm trên ngày nay biến tướng trở thành nơi cho lái buôn chặt chém khách du lịch, là những dòng người chen lấn xô đẩy, cãi vã lẫn nhau, là cờ bạc dọc hai bên đường, là những quán ăn đặc sản thú rừng, ngoài ra còn là nơi của móc túi và trộm cắp. Tôi rất muốn tìm ra một biến chuyển mang tính tích cực, nhưng thật sự là không có, ngoài một vài cá nhân hảo tâm công đức và xây dựng, bảo trì di tích. Phải chăng chúng ta đang đẩy lùi những gía trị văn hóa truyền thống mang bản sắc rất riêng của dân tộc?
Quay trở lại vấn đề đầu của bài viết. Bên trên tôi đề cập vấn đề để chỉ ra rằng Hồ Gươm chỉ là một trong những nạn nhân bị những con người thiếu ý thức làm ảnh hưởng. Đi dọc hai bên bờ hồ là những rác thải đen kịt đọng lại, cá bị môi trường nước ô nhiễm không sống được nổi lềnh phềnh, nước hồ không là màu trắng trong mà đã trở thành màu rêu. Tôi thiết nghĩ không biết dưới hồ có nguồn nước thải của doanh nghiệp vô ý thức nào thải ra hay không. Quả thực suy nghĩ này làm tôi lo sợ, theo thời gian Hồ Gươm lại thành sông Tô Lịch mất thôi (?)
Cụ Rùa nổi lên liên tục với bao vết thương trên người, phải chăng Cụ đang báo hiệu cho chúng ta một điều gì đó? Tôi thực sự tin là như vậy, Cụ chắc chắn đang cầu cứu chúng ta, Cụ có lẽ đang chờ con người chúng ta báo đáp lại như cách Cụ đã nổi lên với gươm thần trao cho Lê Lợi đánh giặc giữ nước, và sau bao thế kỉ trôi qua, liệu chúng ta có cho cụ nổi một viên thuốc thần không? Hay chỉ coi Cụ là một vấn đề đem ra bàn bạc mãi không đến hồi kết?
Theo những tài liệu tôi cóp nhặt và đọc về cơ chế quản lý đô thị, thì Hồ Gươm do ủy ban thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm xem xét và xử lý những vấn đề liên quan. Nhưng khổ nỗi, bất cứ ý kiến nào đưa ra là lại gặp sự phản bác hay ý kiến trái chiều, các cơ quan khác không thuộc phạm vi quản lý cũng muốn nhảy vào tham gia góp ý, làm cho tất cả những vấn đề thành mớ bòng bong, như sợi dây bị thắt nút.
Tôi linh cảm rằng, một ngày nào đó khi hồ Gươm vắng Cụ Rùa mãi mãi, chúng ta nhất định sẽ bị trả giá và lĩnh hậu quả từ lịch sử. Đây là vấn đề hoàn toàn nghiêm túc. Hỡi những người có trách nhiệm và quyền hạn trong tay, xin hãy ra tay trước khi quá muộn. Dù thế nào, tôi vẫn đặt niềm tin vào trái tim lương thiện của những con người này.
(Nguyễn Danh Vượng)