Tôi đang tham gia khóa học Giám đốc điều hành chuyên nghiệp (CEO) của trường đào tạo doanh nhân PTI. Kiến thức tôi đề cập dưới đây là từ bài giảng của thầy Đỗ Tiến Long, người đào tạo kĩ năng Lãnh đạo hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Quan điểm của tôi về học tập cùng chung quan điểm của Ts.Hoàng Anh Tuấn, là mỗi khi nghe, đọc được cái gì mới, cái gì hay thì phải chia sẻ lại, đó là cách tôi sử dụng, ôn tập kiến thức vì kiến thức ở trong đầu thì nó hoàn toàn không có giá trị gì, luôn luôn bị thui chột theo thời gian trước khi nó được mang ra thảo luận và biến thành hành động cụ thể. Tôi xin phép được bắt đầu:
Quản lý thực ra là một chức danh và nhiệm vụ. Một nhà Quản lý giỏi phải hợp nhất được 4 yếu tố: Hoạch định - Tổ chức - Lãnh đạo - Giám sát. Chúng ta thấy rõ rằng Lãnh đạo thực ra là một phần yếu tố của Quản lý. Chỉ cần khiếm khuyết 1 trong 4 yếu tố trên đều làm giảm giá trị và uy tín của nhà quản lý. Hoạch định là đưa ra mục tiêu cho tổ chức, lên kế hoạch cụ thể, đề ra các tình huống khó khăn có thể xảy ra và luôn chuẩn bị, đặt ra lựa chọn những giải pháp tối ưu nhất. Tổ chức là kĩ năng không thể thiếu đối với bất kì một chức danh quản lý nào, nó yêu cầu sự gắn kết mỗi con người với từng công việc, mắt xích các thành phần, phòng ban lại với nhau. Một doanh nghiệp chưa cần biết sản xuất hay cung cấp dịch vụ gì, nếu được tổ chức tốt sẽ làm việc luôn hiệu quả và chiếm ưu thế so với những đối thủ có sản phẩm tốt hơn nhưng kết cấu tổ chức không thông suốt từ trên xuống dưới. Một nhà Quản lý tốt không bao giờ được lơ là ở khâu Giám sát, lỗi lầm là điều luôn xảy ra bởi Doanh nghiệp được hình thành từ yếu tố Con người; điều quan trọng là lỗi lầm xuất phát từ lý do chủ quan hay khách quan, lỗi lầm nghiêm trọng ở mức độ nào? Đó là trách nhiệm của nhà Quản lý phải tìm ra và đưa ra quyết định để khắc phục.
Cuối cùng là kĩ năng Lãnh đạo. Có lẽ đây là kĩ năng quan trọng nhất quyết định đến sự thành công của mỗi người và được Thầy nhấn mạnh nhiều nhất nên tôi muốn tách ra thành một phẩn riêng biệt, chỉ cần nhớ rằng nó nằm trong 4 kĩ năng Quản lý là được. Quản lý có thể quản lý sản phẩm, máy móc, dụng cụ, kiểm toán, thuế vụ nhưng một khi nhắc đến Lãnh đạo thì chỉ có một yếu tố là lãnh đạo Con người. Như bài trước tôi đã đề cập, thành công của con người không phụ thuộc vào kiến thức hay chuyên môn của anh đến đâu, một người giỏi đến mấy cũng chỉ tập trung ở một lĩnh vực nào đó. Ở thế kỉ 21 chúng ta đang sống, cứ 3 năm thì kiến thức của nhân loại tăng gấp đôi, tức là con người tìm ra được những nguồn thông tin mới trên mọi lĩnh vực cuộc sống (theo thống kê của trường ĐH Chicago - Hoa Kỳ), do đó, nếu cứ chạy theo và học những gì con người đã biết thì không bao giờ hết kiến thức, chúng ta chỉ học và nhớ những gì có thể áp dụng được vào cuộc sống và mục tiêu trong tương lai. Nhưng bất kể kiến thức tập trung ở lĩnh vực nào thì cái quyết định sự thành công chính là khả năng Lãnh đạo, hay khả năng tạo dựng mối quan hệ, thu hút mọi người về phía mình. Lãnh đạo có thể là từ trong gia đình, một nhóm người hay tổ chức,... Một người lãnh đạo giỏi luôn gắn kết được mọi người với nhau, tạo ra động lực phấn đấu cho mọi người, khuyến khích sự tham gia đóng góp của từng thành viên khi có vấn đề xảy ra để tìm ra giải pháp, tuyệt đối không áp đặt ý kiến cá nhân lên mọi người. Một người thành công được định nghĩa là người xây dựng được mối quan hệ tốt với mọi người, nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và ủng hộ bất kể họ làm công việc gì. Sự thành công không bao giờ được đánh giá bằng số tiền kiếm được mà bằng số lượng bạn bè và đồng nghiệp đặt lòng tin, con số đó sẽ tăng lên hay giảm đi quyết định giá trị và mức độ thành công của một nhà Lãnh đạo.
Ông Lý Xuân Hải - CEO Ngân hàng ACB tại VN
Có một sự lầm tưởng là chuyên môn giỏi sẽ trở thành nhà quản lý tài. Ông Lý Xuân Hải, Giám đốc điều hành Ngân hàng ACB (Cổ phần Á Châu) là một minh chứng cụ thể, người chưa từng tham gia học tập hoặc đạo tạo gì về Ngân hàng nhưng cty vẫn phát triển như vũ bão. Lý do? Giám đốc là người quản lý hệ thống và sắp xếp các con người có trình độ chuyên môn cao chịu trách nhiệm với những phần công việc được giao; làm xong thì báo cáo kết quả và Giám đốc sẽ có một đội ngũ tư vấn, kiểm tra, giám sát, ông không phải là người ngồi tỉ mẩn với những vấn đề chuyên môn của từng bộ phận. Giám đốc là người thay mặt cty gặp gỡ Khách hàng (người đại diện các doanh nghiệp khác) và kí kết hợp đồng, sau đó là phần việc của nhân viên cấp dưới có trách nhiệm thực hiện các điều khoản kí kết với giữa Ngân hàng và Khách hàng.
Trên thực tế, những người giỏi chuyên môn, cần cù, cần mẫn, chỉ chăm chăm tập trung vào công việc luôn được coi là những chú ong thợ tuyệt vời của tổ chức, họ thường được động viên bằng đủ loại bằng khen, nhưng những người được hưởng lợi chính từ công sức của họ lại là những nhà quản lý bên trên.
Kết luận, nếu xác định rõ mục tiêu là trở thành nhà quản lý, hãy phát triển 4 yếu tố cơ bản (Hoạch định - Tổ chức- Lãnh đạo - Giám sát) và tập trung vào kĩ năng lãnh đạo, ứng xử và tạo dựng mối quan hệ của bản thân, thái độ tích cực để thu hút mọi người; còn trình độ chuyên môn hay tay nghề cao là thứ không nhất thiết phải có.
(tự truyện - không nguồn)
Được đó! Cố gắng phát huy tiếp nhé em ^^
Trả lờiXóa