Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Quán Cháo Người Hoa

Câu chuyện được hình thành trong bối cảnh cuộc nói chuyện giữa nhà báo và người bán cháo, có rất nhiều bài học kinh doanh được đúc kết trong câu chuyện này.
Vào một ngày cuối tuần, nhà báo của một tòa soạn được cử đi viết bài về công việc kinh doanh trong thực tế. Đến một tiệm hàng cháo gia đình nổi tiếng, ông bước vào.
- "Ôi, cơn gió nào đưa nhà báo đến thăm gia đình tôi thế này?" - Chủ quán cháo niềm nở nói.
Nhà báo đưa tay ra bắt tay ông chủ cửa hàng đầu đã hai thứ tóc và mỉm cười nói:
- "Cám ơn ông, tôi có thể xin phép chút thời gian của ông để phỏng vấn về công việc kinh doanh được không?"
- "Vâng, được chứ." Chủ cửa hàng đáp.
- "Vậy tôi bắt đầu luôn nhé. Cửa hàng cháo của ông đi vào hoạt động được bao nhiêu năm rồi?" Nhà báo hỏi.
Ông chủ cửa hàng đặt tay lên cằm,  suy nghĩ và nói:
- "Bao nhiêu năm rồi à? Tôi không nhớ rõ nữa nhưng đã từ rất lâu rồi. Khi tôi còn nhỏ, tôi đã hàng ngày bưng bê cháo phục vụ khách cho bố tôi. Có lẽ cửa hàng cháo này đã qua rất nhiều đời rồi nhà báo ạ."
-"Hả? Đã lâu như thế rồi sao? Đời nào cũng cháo à? Không có gì thay đổi sao, thưa bác?" Nhà báo tỏ vẻ ngạc nhiên.
- "Sao lại không có gì thay đổi." Ông chủ quán đáp. "Từ thời cha tôi, nhà này chỉ có một quán cháo gia truyền nhưng bây giờ tôi đã mở rộng nó ra 50 quán và hình thành một thương hiệu cháo nổi tiếng trên khắp đất Trung Hoa này. Nhà báo đến thành phố nào, tôi cũng sẵn lòng được phục vụ."
- "Ồ, tôi hiểu rồi. Ông có mấy người con? Họ đang học gì và làm gì?" Nhà báo tiếp tục câu hỏi của mình.
- "Cám ơn nhà báo đã quan tâm đến gia đình tôi. Tôi có 4 người con trai, cháu thứ nhất đang học tiến sĩ cháo bên Pháp; cháu thứ hai là thạc sĩ cháo ở Mỹ; cháu thứ ba cũng thạc sĩ cháo nhưng ở Đức; đứa út đang học Đại học ngành quản lý cháo ở Canada." Chủ quán cháo giới thiệu từ tốn với giọng đầy tự hào về các con của mình.
   Nhà báo trợn mắt, há hốc miệng vì ngạc nhiên, thốt lên:
- "Cái gì? Lại cháo à? Ông cho các cháu học hết về cháo như thế sau này về nước làm sao các cháu xin được việc?"
   Chủ quán cháo cười tươi, đáp rằng:
- "Vâng, đúng thế, lại cháo. Gia đình tôi từ xưa tới nay, không có ai phải đi xin, nhà báo ạ. Các cháu đi học nước ngoài là để nghiên cứu thị trường bên đó, sau này về nước chúng sẽ lại giúp cha nó bán hàng và tiếp quản mạng lưới các đại lý cháo này. Đời tôi chỉ lo được cho chúng nó vậy thôi, các cháu sẽ lại tiếp tục mở rộng thương hiệu cháo nay ra quốc tế để đi đến đâu, mọi người cũng biết về gia đình tôi."
  Nhà báo dường như hiểu được một điều gì đó, cảm thấy phục ông chủ cửa hàng lắm nên không đặt ra câu hỏi nào về công việc của ông nữa. Đúng lúc đang đói, nhà báo hỏi:
- "Rất cám ơn ông đã dành thời gian quý báu để tôi được hiểu hơn về công việc kinh doanh và gia đình ông. Nhân tiện đến đây, liệu tôi có thể thử một bát cháo gà của cửa hàng được chứ?"
   Ông chủ quán đáp ngay:
- "Chẳng mấy khi nhà báo đến đây chơi, để tôi được phục vụ nhà báo đến nơi đến chốn. GIA NHÂN ĐÂU, RÓT TRÀ!"
   Nhà báo giật mình, dường như quên cái gì đó:
- "Chết rồi, tôi hôm nay đi vội quá nên không mang ví. Tôi có thể ăn chịu của cửa hàng được không?"
   Chủ quán bình thản trả lời:
- "Nhà báo cứ tự nhiên ngồi lại thưởng thức món cháo gia truyền của cửa hàng. Tôi chỉ cần nhà báo giới thiệu bạn bè và những người xung quanh về quán cháo và món cháo của tôi, đó cũng là một sự trả giá xứng đáng rồi nhà báo ạ. Ông không cần phải nhớ quay lại mang tiền cho tôi đâu."
   Nhà báo cảm ơn và 2 người ngồi ăn, nói chuyện trong không khí vui vẻ và thoải mái.


(truyện kinh doanh của Trung Quốc, được thầy Nguyễn Tất Thịnh kể trong một lần gặp mặt)

2 nhận xét:

  1. ứ hay bằng mấy bài kia ý >"<

    Trả lờiXóa
  2. BÀI NÀY DÀI HƠN MỘT BÀI TÔI TỪNG ĐỌC, ĐÔI KHI NGẮN GỌN NHƯNG XÚC TÍCH

    Trả lờiXóa